Gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) do nổ lò hơi đã trở nên phổ biến tại một số cơ sở xuất, chế biến công nghiệp. Hầu hết, những vụ nổ lò hơi đều gây ra hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến người lao động (NLĐ) bị tử vong.
Để hạn chế tối đa TNLĐ xảy ra tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Hội, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, khuyến cáo doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn phòng chống cháy, nổ.
Khoảng 10h ngày 30-10, tại cơ sở chế biến thủy sản của gia đình anh Tạ Duy Anh (SN 1970), ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã xảy ra nổ lò hơi làm 4 người chết và 11 người bị thương. Mặc dù đây chỉ là lò hơi tư nhân, có quy mô và khối lượng chưa lớn như các khu công nghiệp (KCN), song sức công phá của vụ nổ khiến sập hoàn toàn nhà xưởng có diện tích gần 200m2, gây chấn động, ảnh hưởng tới nhiều ngôi nhà lân cận. Ngoài ra, sức nóng của những mảnh thép vỡ từ lò hơi bắn ra, cũng có thể gây cháy hỏa hoạn cho môi trường xung quanh, nếu vật đó rơi trúng.
Vào cuối tháng 3-2016, một vụ nổ lò hơi khác xảy ra tại Công ty TNHH ShiJar Việt Nam, có địa chỉ tại KCN Bình Dương, đã làm 2 công nhân chết tại chỗ. Nhiều mảnh vụn và các thanh sắt bay xa hàng trăm mét, gây cháy trên diện rộng. Trước đó, vào tháng 11-2015, một vụ nổ lò hơi của Công ty TNHH Nam Thái Nguyễn nằm trong khuôn viên Công ty Cổ phần giấy Sài Gòn, ở KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã khiến 3 người tử vong tại chỗ và nhiều công nhân bị thương.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, hầu hết nguyên nhân của các vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên đều liên quan đến việc vận hành sai quy trình, quy định, không đúng kỹ thuật. Từ những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh trong thời gian vừa qua, nhằm hạn chế các vụ cháy nổ lò hơi, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các phòng khu vực tăng cường các biện pháp kiểm tra, siết chặt công tác phòng chống cháy, nổ (PCCN) tại các KCN và đặc biệt thường xuyên kiểm tra hạn định tại các thiết bị máy móc như lò hơi trong các KCN, xí nghiệp, nhà máy… Theo Đại tá Nguyễn Hải Triều, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy, thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Trong điều kiện sản xuất hiện nay, nhất là trong các ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến thức ăn, thủy sản, giấy, dệt nhuộm, thuốc lá, giải khát… lò hơi chiếm một vai trò rất quan trọng của nhà máy sản xuất. Do đó hầu hết các KCN đều sử dụng”.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có nhiều KCN, cụm công nghiệp lớn, nhà máy như các KCN Bắc Thăng Long, Quang Minh, Sài Đồng, Hà Đông và các Cụm công nghiệp Quất Động, Hà Bình Phương, Duyên Thái… cùng nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn trong một số quận, huyện ven đô. Theo cán bộ kiểm tra, hướng dẫn Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, hầu hết những khu vực nói trên đều sử dụng lò hơi vào hoạt động sản xuất.
Thượng tá Trần Quế Thường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Hà Đông - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Khu vực quận Hà Đông có KCN Phú Nghĩa, trong đó có 7 cơ sở sử dụng lò hơi gồm 5 cơ sở dùng than và 2 lò hơn dùng điện. Những nơi này thường có đông công nhân làm việc và dễ gây cháy nổ bởi vì dùng lửa trần. Để đảm bảo an toàn cháy nổ, đơn vị thường xuyên kiểm tra quy trình hoạt động, trang thiết bị an toàn PCCN cũng như việc kiểm nghiệm các thiết bị theo quy định”.
Trước những hoạt động sử dụng lò hơi của các KCN, vừa qua, ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cùng Cảnh sát PCCC quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra tại KCN Phú Nghĩa. Tại đây, tổ công tác đã yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về hạn định bảo trì, kiểm tra các thiết bị lò hơi.
Ông Vũ Sinh, kỹ sư điều áp lò hơi thuộc Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Việc kiểm tra thường xuyên sẽ giúp phát hiện kịp thời sự ăn mòn, hư hỏng các thiết bị. Đối với lò hơi, những nguyên nhân gây nổ thường do các vấn đề như xử lý nước không đảm bảo, khởi động sai, nổ do nhiên liệu, tình trạng cạn nước, va đập gây hỏng hóc ống, nước cấp bẩn, đốt nóng dữ dội, phương pháp xả không thích hợp, tạo chân không bên trong lò hơi, việc bảo quản không đúng, nổ nhiên liệu, tác động của ngọn lửa… Để hạn chế tai nạn nổ nồi hơi xảy ra, ngoài việc tuân thủ bảo trì, bảo dưỡng thì đòi hỏi người vận hành phải thực sự có kỹ thuật, hiểu biết và nắm bắt kỹ về hoạt động nồi hơi của nơi làm việc”.
Nguồn: http://anninhthudo.vn/phap-luat/canh-bao-nguy-co-no-lo-hoi/706782.antd , https://noihoidonganh.net